Khi nào doanh nghiệp của bạn cần xây dựng thương hiệu?
Không khó để thấy cuộc chiến thương hiệu đang bùng nổ ở khắp các mặt trận và diễn ra trên toàn thế giới. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần nghĩ tới chiến lược xây dựng thương hiệu nếu muốn duy trì hoạt động của mình và gây ấn tượng với khách hàng. Vậy, thời điểm nào thích hợp nhất để bắt đầu quá trình này?
1. Những quan điểm mà nhiều doanh nghiệp vẫn thường hiểu sai:
-
Xây dựng thương hiệu cần có nhiều tiền
Xây dựng thương hiệu nghe có vẻ to tát và rất tốn kém, đặc biệt với những doanh nghiệp nhỏ có nguồn ngân sách hạn hẹp. Trong khi đó, hoạt động này lại không mang tới hiệu quả tức thì như các quảng cáo hay chương trình khuyến mãi. Việc chi ra một khoản tiền khi chưa nhìn thấy ngay lợi ích thường khiến doanh nghiệp đắn đo và chần chừ.
Sự thực là ngân sách chỉ dồi dào khi việc kinh doanh thành công, nhưng kinh doanh không thể thuận lợi nếu thiếu đi thương hiệu. Bởi vậy, không cần phải có nhiều tiền, bạn vẫn có thể làm thương hiệu, miễn đảm bảo nuôi dưỡng và phát triển được các ý tưởng chiến lược.
-
Chất lượng tốt tự khắc sẽ có thương hiệu mạnh
Liệu có ai dám đảm bảo rằng kem của Baskin Robbins là ngon nhất, nhưng đó lại là một thương hiệu mạnh trên thế giới. Nếu tham gia khảo sát mù, liệu bạn có phân biệt được sữa của TH True milk, Vinamilk và Dutch Lady?
Điều đó chứng tỏ giá trị thương hiệu không được quyết định bởi chất lượng sản phẩm. Chất lượng chỉ là một trong những yếu tố nền tảng giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu dễ dàng hơn. Bởi vậy, sẽ là sai lầm nếu bạn cho rằng chỉ cần có sản phẩm tốt, mọi người tự khắc sẽ nghĩ tới bạn.
-
Doanh nghiệp nhỏ không cần làm thương hiệu
Hoàn toàn sai! Doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể sống sót trước sức ép từ những gã khổng lồ nếu không tạo ra cho mình một chỗ đứng trên thị trường. Bạn cần phải khẳng định những đặc trưng riêng để khách hàng ghi nhớ bạn, làm gì đó để khách hàng lựa chọn bạn thay vì đối thủ, và “làm gì đó” ở đấy chính là xây dựng thương hiệu.
-
Bán hàng trước, xây dựng thương hiệu sau
Bạn định làm thế nào để bán được hàng khi chỉ mới bắt đầu? Không có nhận diện riêng, không xác định được điểm mạnh đột phá, không có một định hướng rõ ràng và đồng bộ, liệu khách hàng có tin tưởng bạn? Ngay cả khi bạn cho rằng tự mình rao bán cũng đủ hiệu quả, bạn có xác định được mình phải làm quảng cáo ra sao để không gây phản cảm và đủ sức thuyết phục.
Bán hàng trước có thể đem lại lợi nhuận tức khắc, nhưng không giúp bạn duy trì được hoạt động kinh doanh lâu dài.
2. Thời điểm thích hợp để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu
-
Suy nghĩ làm thương hiệu ngay từ khi doanh nghiệp ra đời
Như đã đề cập phía trên, doanh nghiệp không cần phải đợi đến khi có ngân sách dồi dào mới bắt tay vào làm thương hiệu. Hãy nghĩ tới việc xây dựng thương hiệu ngay từ khi bạn thành lập doanh nghiệp của mình, hay đúng hơn là từ khi có ý tưởng liên quan tới sản phẩm. Tên gọi, logo, hệ niềm tin, tầm nhìn… cần được định hướng trước hết để hình thành những yếu tố cốt lõi cho thương hiệu, chiến lược marketing và truyền thông có thể bàn tới sau.
Đây là thời điểm thích hợp bởi nguồn nhân lực đang trong trạng thái sẵn sàng với những thử thách mới, xây dựng định hướng chiến lược ngay từ đầu cũng là nền móng vững chắc để hình thành những kế hoạch cụ thể sau này. Sẽ là thuận lợi nhất nếu bạn đã chuẩn bị sẵn những “tài nguyên” cụ thể trước khi ra mắt khách hàng. Chẳng hạn, doanh nghiệp thời trang cho bé gái có thể lựa chọn màu hồng làm nhận diện để kết nối với cảm xúc của khách hàng, nhấn mạnh vào chất liệu Cotton thoáng mát, không gây kích ứng cho da để khiến họ chú ý tới và thử so sánh với những thương hiệu mình đã trải nghiệm.
Hãy bắt đầu bằng việc xác định thế mạnh của mình, định vị thương hiệu trong phân khúc mục tiêu, thấu hiểu sâu sắc nhu cầu của khách hàng: xác định các giá trị cốt lõi của thương hiệu, xây dựng chiến lược thương hiệu, nhận diện thương hiệu, từ đó hình thành chiến lược marketing và truyền thông, triển khai và đo lường…
-
Đừng vội làm thương hiệu khi sản phẩm chưa được hoàn thiện
Chất lượng sản phẩm tốt không đồng nghĩa với việc thương hiệu sẽ mạnh, nhưng chất lượng tồi tệ hoàn toàn có khả năng giết chết thương hiệu. Đó là lý do vì sao doanh nghiệp đừng vội xây dựng thương hiệu khi chưa hoàn thiện được sản phẩm – dịch vụ, hoặc khi chúng còn quá nhiều hạn chế. Bạn cần đảm bảo rằng sản phẩm của mình có thể được khách hàng chấp nhận, nghĩa là dù vẫn còn khiếm khuyết, họ vẫn có thể sử dụng và không thấy phiền phức vì khiếm khuyết đó.
Sản phẩm có trước thương hiệu, vì vậy làm thương hiệu cần dựa trên nền tảng chất lượng sản phẩm. Nếu bạn quảng bá rầm rộ về thương hiệu với những điều tốt đẹp nhất, chạm tới cảm xúc sâu thẳm nhất trong trái tim khách hàng, nhưng lại mang tới cho họ một sản phẩm kém chất lượng, không đáp ứng đúng nhu cầu thực sự của khách hàng, đó chính xác là một hành vi lừa dối đáng phê phán. Cần phải nhớ, chính lòng tin của khách hàng mới làm nên sức mạnh thương hiệu.
Thương hiệu Nivea từng cho ra mắt Bio-Slim Complex với cam kết giảm cân nặng và kích thước cơ thể. Sản phẩm này được tiêu thụ với số lượng lớn, nhưng sau đó lại vấp phải sự tẩy chay của khách hàng vì khiến da họ bị sảm, nổi mẩn đỏ và kích thước cơ thể không thay đổi. Đó là cái giá mà doanh nghiệp phải trả khi không tính toán kỹ lưỡng vấn đề này.
-
Làm thương hiệu trước, bán hàng sau, hoặc đồng thời cả hai
Khách hàng không thể có cơ hội trải nghiệm sản phẩm của tất cả các doanh nghiệp để chọn xem cái nào tốt nhất và phù hợp nhất. Họ thường mua hàng dựa trên lời giới thiệu của người quen, hoặc chọn lựa sản phẩm đã quen mặt trên báo đài. Đôi khi, họ cũng thử “liều lĩnh” chọn sản phẩm lạ có hình thức bắt mắt nhất khiến họ thích thú, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi chúng được đặt trên kệ hàng siêu thị. Nếu bạn bán sản phẩm tại cửa hàng của riêng mình, thật khó để thu hút khách hàng mục tiêu tìm đến nếu không có thương hiệu.
Nếu bán hàng trước mà thành công, vậy chẳng có doanh nghiệp nào cần phải xây dựng thương hiệu. Điều này trái ngược hẳn với thực tế các doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới vẫn đang nỗ lực trên đường chạy đua thương hiệu. Bởi vậy, hãy làm thương hiệu trước để tạo nền móng vững chắc, sau đó mới bán hàng, hoặc thực hiện song song cả hai để có những điều chỉnh phù hợp.
Bây giờ, câu hỏi mà doanh nghiệp cần đặt ra không nên là “có cần xây dựng thương hiệu hay không”, mà phải là “xây dựng thương hiệu ra sao để chuyên nghiệp và thuyết phục khách hàng, trong khi không phung phí ngân sách”.
Nguồn: Chuyên gia thương hiệu