Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor ước tính thị trường nước mắm Việt Nam trị giá 4,5 tỷ đô la Mỹ và có mức tăng trưởng hằng năm khoảng 4,7% trong giai đoạn 2016-2021. Chính thị trường khá lớn của nước mắm khiến cho cuộc chiến giành thị phần diễn ra gay gắt từ nhiều năm qua.
Đến thời điểm hiện tại, gần như các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm lớn như Unilever, Masan, Nestle… đều tham gia thị trường. Các đại gia này liên tục tung ra sản phẩm mắm công nghiệp, nước chấm mới, kém theo các chiến dịch quảng cáo khủng, rầm rộ, kéo dài liên tục trên truyền thông. Với nguồn lực tài chính mạnh nên không có gì ngạc nhiên khi các đại gia này chiếm đến 70% thị phần nước mắm tại Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, giới sản xuất nước mắm truyền thống dù có lợi thế lâu đời, sở hữu bí kíp ướp chượp độc đáo riêng, chất lượng nước mắm tốt nhưng khả năng tài chính lại quá yếu. Đó là lý do khiến họ chỉ chiếm thị phần khá nhỏ, khoảng 30% trong tổng sản lượng 170-180 triệu lít nước mắm sản xuất mỗi năm ở Việt Nam.
Sự soán ngôi của nước mắm công nghiệp đang buộc các nhà sản xuất nước mắm truyền thống phải thay đổi, như cải tiến bao bì, đóng chai nhựa theo nhiều kích cỡ để đáp ứng các phân khúc giá khác nhau. Nhiều doanh nghiệp đã chọn các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi để đưa hàng vào.
Nước mắm truyền thống trong cuộc chiến cạnh tranh không cân sức trước các sản phẩm của tập đoàn đa quốc gia
Bên cạnh đó, họ đang đẩy mạnh xuất khẩu, đưa hàng lên sàn thương mại điện tử, một cách tiếp cận nhanh tới người dùng thế giới, như nước mắm Mami từ năm 2019 đã bán với số lượng không nhỏ trên sàn thương mại điện tử Amazon. Vào giữa năm nay, nước mắm Mami còn đánh bật nước mắm Thái Lan để đứng vị trí số 1 thương hiệu nước mắm mới bán tốt nhất tại sàn này.
Áp lực cạnh tranh
Nước mắm truyền thống đang thực hiện nhiều bước cải tổ, nhưng tại thị trường nội địa vẫn đang bị cạnh tranh gay gắt và tỏ ra yếu thế trước nước mắm công nghiệp.
Bà Ong Thị Kim Ngân – Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH khai thác hải sản và chế biến nước mắm Thanh Hà cho rằng, sự cạnh tranh này đến từ giá cả và khẩu vị. “Nước mắm truyền thống cần sử dụng nhiều lao động, sản lượng chịu ảnh hưởng bởi yếu tố đánh bắt tự nhiên, vì thế có giá cao gấp 2-4 lần nước mắm công nghiệp. Nhưng nước mắm truyền thống không thể rẻ được. Chúng tôi chỉ có thể tìm phương án giảm giá thành để có mức giá phù hợp”, bà Kim Ngân thừa nhận.
Tuy nhiên, với sự thay đổi thói quen người dùng, ngày càng tìm đến nước mắm truyền thống có chất lượng tốt hơn, nên sản phẩm này đang lấy lại đà tăng trưởng nhanh. Khoảng 5 năm trước, nước mắm Thanh Hà xuất khẩu chiếm đến 90% sản lượng nhưng nay chỉ chiếm 60% do đã được thị trường nội địa… chia lửa. “Đây không phải là chuyện cá biệt của nước mắm Thanh Hà mà là bức tranh chung của ngành nước mắm truyền thống. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, các nhà sản xuất nước mắm truyền thống phải liên kết lại, không thể rời rạc như trước”, bà Kim Ngân chia sẻ.
Kiểm tra quy trình sản xuất nước mắm tại công ty Thanh Hà
Hợp lực để tăng sức mạnh
Chia sẻ của bà Kim Ngân cũng là một trong những lý do các nhà làm nước mắm truyền thống quyết định tập hợp, hình thành Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam. Hiệp hội được Bộ Nội vụ cấp giấy phép thành lập ngày 3/9/2020 và tổ chức đại hội lần đầu vào ngày 27/10/2020 tại Hà Nội. Hiệp hội gồm 117 hội viên là những người làm nghề nước mắm, các nghệ nhân, nhà sản xuất kinh doanh của gần 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Các hội viên mong muốn tạo tiếng nói chung cho ngành nghề và tận dụng nguồn lực lẫn nhau. Bằng cách liên kết từ khâu đánh bắt nguyên liệu, sản xuất và xuất khẩu, họ có thể giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Mặc khác, trong bối cảnh thiếu hụt ngân sách quảng cáo, các thành viên trong Hiệp hội kỳ vọng thực hiện những chiến dịch chung, từ đó xây dựng thương hiệu nước mắm truyền thống Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Chia sẻ dưới góc độ của một thành viên Ban vận động thành lập Hiệp hội mắm truyền thống Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, Hiệp hội được thành lập là cột mốc quan trọng vì cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, không ít gia đình có truyền thống làm nước mắm cha truyền con nối nhiều lúc muốn bỏ nghề. Người tiêu dùng có lúc hoang mang khi bị “dội bom” các quảng cáo chê nước mắm truyền thống mặn, nặng mùi…
“Hiệp hội ra đời như lời khẳng định phải bảo vệ giá trị quý báu có tính quốc hồn quốc túy, gắn bó với mỗi người Việt Nam, thể hiện quyết tâm gia tăng sự hiện diện nước mắm truyền thống trên bàn ăn của các gia đình Việt. Đồng thời thể hiện sự cam kết của các doanh nghiệp trong việc nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm đặc trưng của Việt Nam vì người tiêu dùng Việt và người tiêu dùng thế giới”, bà Vũ Kim Hạnh nói.
Các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đang hợp lực để tăng thị phần tại thị trường nội địa
Cũng theo bà Vũ Kim Hạnh, để phân biệt nước mắm truyền thống và các sản phẩm khác, Hiệp hội sẽ có bộ tiêu chuẩn nước mắm truyền thống phát triển từ bộ tiêu chuẩn cùng tên của CLB Nước mắm truyền thống thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), là tiền thân của Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam. Doanh nghiệp nào đáp ứng các tiêu chuẩn trên sẽ được dán logo và công bố theo quy định của hiệp hội. Nếu doanh nghiệp làm “giả” nước mắm truyền thống, Hiệp hội lấy lại logo. Đây là sự minh bạch thông tin cho khách hàng cũng như phân biệt đúng các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyển thống.